GD&TĐ – Sáng nay (17/5) tại Hà Nội, đông đảo doanh nghiệp làng nghề đã tề tựu về Trường Đại học Ngoại thương tham gia Hội thảo “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
Hội thảo do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì nằm trong Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”. Diễn giả là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu đến từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý với bề dày kinh nghiệm của Nhật Bản và của Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo và tư vấn trực tiếp để triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” là dự án lớn của Bộ KH&CN Việt Nam nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Trong khuôn khổ của Dự án này, Trường Đại học Ngoại thương được giao thực hiện Nhiệm vụ “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen là mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp trong làng nghề dựa trên triết lý cải tiến liên tục để nâng cao chất lượng, năng suất và năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số làng nghề áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất và năng lực cạnh tranh.
Cũng với các chuyên gia Nhật Bản, các chuyên gia Kaizen của trường Đại học Ngoại thương đã tập huấn cho các đại diện doanh nghiệp về cách tiếp cận mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất; Trực tiếp đào tạo áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong thực tiễn sản xuất; Tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp triển khai áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong thực tiễn sản xuất.
“Sau hội thảo này, chúng tôi sẽ triển khai hoạt động đào tạo tại địa phương trong tháng tới. Tiếp theo đó, các chuyên gia Kaizen sẽ tới tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, chúng tôi mong muốn thông qua chương trình sẽ xây dựng một “Câu lạc bộ các doanh nghiệp Kaizen làng nghề” để tạo ra một mạng lưới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp làng nghề thông qua áp dụng Kaizen đồng thời giới thiệu doanh nghiệp tới các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước thông qua mạng lưới đối tác của Nhà trường” – PGS.TS Bùi Anh Tuấn