1. Tổng quan:
Muda là một từ gốc Nhật có nghĩa là vô ích, vô dụng, lãng phí, phế thải… Nó là một khái niệm cơ bản trong Hệ thống sản xuất Toyota – Toyota Production System (TPS) và là một trong ba loại biến thể (Muda, Mura, Muri). Giảm thiểu lãng phí là cách hiệu quả để tăng lợi nhuận. Để tăng lợi nhuận thì ngoài việc tăng doanh thu, tăng sản lượng hàng bán được cần phải giảm chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty.
Để giảm được chi phí thì trước hết các đơn vị phải nhận biết được tại đơn vị mình có những loại chi phí nào. Xét trên góc độ tạo ra giá trị, có hai loại chi phí:
- Chi phí nào tạo ra giá trị – chi phí chất lượng bao gồm các chi phí cho nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhân công cho sản xuất, chi phí cho sự phòng ngừa sai sót, chi phí kiểm tra quá trình…
- Chi phí nào không tạo ra giá trị – chi phí không chất lượng bao gồm các chi phí như chi phí làm lại, phế liệu, chi phí do dừng máy, tai nạn, chi phí giải quyết khiếu nại, xử lý sản phẩm không phù hợp, sản phẩm bị khách hàng trả về…
Vì vậy, MUDA – những thứ không tạo ra giá trị là các chi phí không chất lượng khiến cho doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và gây thất thoát cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia năng suất các lãng phí trong sản xuất thường có 7 loại lãng phí trong Sản xuất tinh gọn (LEAN). Cần nghiên cứu để loại bỏ hao phí khỏi các quá trình bằng cách loại bỏ nguyên nhân của Những bất thường (Mura) và Sự vô lý (Muri) cũng như xử lý những lãng phí (Muda) – đây là 3 thuật ngữ được đề cập trong hệ thống sản xuất của Toyota.’
2. Phân loại:
MUDA định nghĩa 7 lãng phí bao gồm:
- Transportation – Vận chuyển:
- Inventory – Tồn kho
- Motion – Thao tác
- Waiting – Chờ đợi
- Over Processing – Xử lí thừa
- Over Production – Sản xuất thừa
- Defect – Hàng lỗi
Transportation – Vận chuyển:
Vận chuyển là hoạt động di chuyển nguyên vật liệu từ một nơi này đến nơi khác. Hàng hóa trong quá trình vận chuyển luôn đặt trước tình trạng thất thoát, bị chậm trễ… Chi phí cho người lao động để di chuyển và thiết bị như xe tải hoặc xe nâng để thực hiện những việc di chuyển nguyên liệu với có thể là ở mức đắt đỏ. Việc vận chuyển này không biến đổi sản phẩm cũng như khách hàng không trả tiền cho việc đó.
Inventory – Tồn kho
Các dạng tồn kho là nguyên liệu, bán thành phẩm và các sản phẩm đã hoàn thiện. Các sản phẩm này chưa tạo ra doanh thu bởi cả nhà sản xuất và khách hàng mà chỉ đang ngốn một khoản tiền dành cho dự trữ khá lớn (chi phí thuê mặt bằng nhà kho, chi phí bảo quản hoặc các chi phí do hỏng hóc…).
Motion – Thao tác
Thao tác thừa của con người hoặc máy móc là một loại lãng phí. Những thao tác không cần thiết là những hành động di chuyển của con người hay máy móc. Ví dụ, việc di chuyển quá nhiều giữa các bộ phận làm việc, di chuyển máy móc quá nhiều hay mất thời gian tìm dụng cụ. Lãng phí trong thao tác mất thời gian (tiền), gây căng thẳng cho người lao động, máy móc và giảm năng suất lao động.
Waiting – Chờ đợi
Chờ đợi chính là thời gian chết trong quá trình sản xuất, là thời gian công nhân hay máy móc nhàn rỗi. Chờ đợi là hậu quả của việc sản phẩm không trong quá trình vận chuyển mà bị tắc nghẽn ở đâu đó. Chờ đợi mỗi lần rất ngắn nhưng với số lượng người lớn và số lần lặp lại nhiều thì đó là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là một loại lãng phí dễ nhận biết nhất.
Giảm lãng phí khi chờ đợi sẽ khiến các quá trình vận hành trơn tru và hiệu quả hơn.
Over Processing – Xử lí thừa
Xử lí thừa trình xảy ra ở quy trình mà chúng ta dùng các kỹ thuật không phù hợp, thiết bị quá khổ, làm việc quá căng, thực hiện các quy trình vượt ra yêu cầu khách hàng. Ví dụ, tạo ra sản phẩm vượt quá yêu cầu, gia công quá kĩ, gia công tại những vị trí không yêu cầu.
Over Production – Sản xuất thừa
Lãng phí khi sản xuất thừa là làm ra quá nhiều hoặc quá sớm. Thực tế phổ biến, các doanh nghiệp thường làm việc theo nguyên tắc “Đúng tình hình” (Just in Case): sản xuất theo số lượng lớn, lưu kho và tiêu thụ dần mà không phải là “Đúng thời điểm” (Just in Time (JIT) . Điều này dẫn đến chi phí lưu kho lớn.
Defect – Hàng lỗi
Mỗi một hàng lỗi đều cần phải tái chế hoặc thay mới, nó gây lãng phí nguồn lực và nguyên liệu, nó phát sinh thêm các công việc giấy tờ, và có thể dẫn đến mất khách hàng. Một sản phẩm bị lỗi thì chi phí có thể bị tăng gấp đôi so với chi phí ban đầu. Lãng phí do hàng lỗi cần được phòng ngừa ở bất kỳ nơi nào có thể, và tốt nhất là nên phòng ngừa hơn là cố gắng phát hiện ra chúng, ngăn ngừa hàng lỗi trong quá trình sản xuất, giảm việc sản xuất thừa và tập trung vào việc nắm bắt các vấn đề, đồng thời đảm bảo cho việc chúng sẽ không tái diễn.
3. Lợi ích của việc phát hiện ra 7 loại lãng phí:
Phát hiện 7 loại lãng phí là cách nó tìm ra các khu vực có cơ hội cải tiến nhằm làm giảm những hoạt động không hiệu quả.
Nó sẽ giúp cải thiện hiệu quả của tổ chức bạn bằng cách chỉ rõ những khu vực cần cải tiến và đảm bảo được các mục tiêu:
- Sản xuất vừa đúng lúc (Just In Time), đáp ứng yêu cầu sản xuất đúng thời hạn
- Bố trí sắp xếp nơi làm việc hợp lý nhằm đạt hiệu quả
- Đánh giá quá trình của bạn bằng việc sử dụng hiệu quả nguồn lực
- Chỉ mua đúng thứ bạn cần khi thấy cần dùng đến
- Sản xuất mà không có hàng bị sai lỗi
- Sản xuất những gì mà bạn biết là có thể bán được.
Sử dụng phương pháp 7 lãng phí sẽ mang lại lợi ích cho đối tượng nào?
Phương pháp 7 lãng phí được coi như là công cụ đánh giá thực trạng của toàn bộ tổ chức, vì vậy tổ chức sẽ nhận ra được lợi ích của nó. Nó có thể chỉ ra những thiệt hại của tổ chức từ việc thiết kế và hoạch định không tốt, thiếu sự đào tạo thích hợp, thiếu sự kiểm soát phù hợp, thiếu các nguyên tắc làm việc hoặc lười biếng trong công việc.
4. Cách loại bỏ 7 loại lãng phí:
Nhìn lại, 7 loại lãng phí trên có nguyên nhân từ hành vi của con người, do đó, doanh nghiệp phải có biện pháp buộc người lao động phải làm việc theo nguyên tắc. Khi người lao động làm việc không theo nguyên tắc, hoặc làm vô nguyên tắc, chắc chắn sẽ gây ra sự lãng phí. Một trong những biện pháp được sử dụng thành công hiện nay chính là Sản xuất tinh gọn (LEAN) và các công cụ khác nhau của Lean. Đặc biệt, có công cụ hữu hiệu để nhận diện và loại bỏ lãng phí là Chương trình cải tiến hiện trường 5S, Kaizen đang được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam và đạt được rất nhiều thành công. Áp dụng các nguyên tắc của sản xuất tinh gọn để giúp bạn bổ sung giá trị vào các quá trình một cách hiệu quả hơn và làm “biến mất” những lãng phí theo đúng nghĩa của nó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Muda (Japanese term)
https://en.wikipedia.org/wiki/Muda_(Japanese_term)
- Muda — 7 Wastes of Lean
https://www.systems2win.com/LK/lean/7wastes.htm
- Hirayama Vietnam, 2016, 7 loại lãng phí và cách loại bỏ
http://hirayamavietnam.com.vn/7-loai-lang-phi-va-cach-loai-bo/
- Garment Space, 2017, Những công cụ sản xuất tinh gọn – Lean Manufacturing
https://www.slideshare.net/garmentspace/cc-cng-c-ca-sn-xut-tinh-gn-lean-manufacturing-75728079
Biên tập: Hồng Minh & Uyên Nguyễn