Công ty TNHH Cơ khí Dệt may xuất khẩu Thanh Chất được thành lập vào năm 2002 thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hiện tại, công ty Thanh Chất nằm tại khu công nghiệp mới Đồng Tu với nhà xưởng lớn cùng không gian bên trong sắp xếp hợp lý, các quy định về bảo hộ lao động và vệ sinh chuyên nghiệp. Đến nay, công ty đã sản xuất đa dạng các mặt hàng khăn bông cao cấp cung cấp trong các nhà hàng và khách sạn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khăn bông công ty Thanh Chất hiện nay chủ yếu là các thị trường nước ngoài khó tính như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cơ khí dệt và dệt cùng đội ngũ quản lý và nhân viên kế thừa truyền thống làng nghế lâu đời đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm khăn bông Thanh Chất chất lượng và uy tín trên thị trường.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Thanh Chất thuộc làng nghề Phương La được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Công ty Thanh Chất với tinh thần không ngừng cải tiến, sẵn sàng học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý mới vào chuỗi sản xuất, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề Phương La.

Quy trình sản xuất khăn tại công ty Thanh Chất gồm các công đoạn chính như sau:

  • Nhập và phân phát sợi: Bộ phận thu mua tiến hành nhập sợi dệt, chỉ may về kho sợi;
  • Dệt: Tiến hành dệt sợi thành khăn mộc theo đơn đặt hàng;
  • Nhập kho khăn mộc: Bộ phận kiểm mộc tiến hành kiểm tra và nhập khăn mộc dệt vào kho;
  • Tẩy nhuộm: Tiến hành công đoạn tẩy nhuộm khăn mộc;
  • Cắt may: Khăn đã tẩy nhuộm dạng tấm khăn lớn trải qua các công đoạn xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ tại xưởng may.
  • Phân loại: Khăn thành phẩm được chuyển về kho để tiến hành công đoạn phân loại và kiểm kim;
  • Đóng gói khăn thành phẩm.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn công ty cải tiến trong xử lý hàng mộc tồn kho, thay đổi cách thức sắp xếp kho hợp lý, khoa học. Trong giai đoạn sau, Dự án đã tiếp tục hỗ trợ công ty cải tiến các bộ phận cắt, may, phân loại để tối ưu hóa toàn bộ hệ thống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện các hạn chế tại công ty Thanh Chất để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Với quy mô diện tích mặt bằng tuy chỉ 3000m2, nhà xưởng được tổ chức sản xuất hợp lý cùng đội ngũ quản lý và thợ kỹ thuật với bề dày kinh nghiệm và tay nghề cao. Sản phẩm khăn Thanh Chất được đầu tư về chất lượng, đa dạng mẫu mã và bao bì đã tạo nhiều thiện cảm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm khăn Thanh Chất vẫn không tạo được bước đột phá trên thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân chính do đội ngũ quản lý công ty chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ và thống nhất. Ngoài ra, tại nhà xưởng vẫn còn tình trạng lưu kho chưa khoa học, sơ đồ kho bố trí không hợp chuẩn (lối đi nội bộ không rõ ràng, các khu vực sản xuất chưa được cách biệt hóa) ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và gây lãng phí thời gian bốc xếp, tìm kiếm khi dỡ hàng. Năng suất kiểm hóa khăn mộc so với hàng hóa cùng loại còn chậm và quy trình chưa khoa học gây ra tình trạng lãng phí thao tác và di chuyển tại kho khăn trăm dẫn đến ùn hàng trên chuyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu bộ quy định chi tiết trong quản lý lao động, phong trào đoàn kết chưa rõ nét.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau:

  • Tổ chức các khóa học giới thiệu và đào tạo về Triết lý Kaizen: Đào tạo về ứng dụng Kaizen Gemba trong việc cải tiến hiện trường cho toàn bộ cán bộ công nhân viên và người lao động để năng cao nhận thức và tác nghiệp cải tiến hiện trường;
  • Hệ thống quản lý chất lượng: (1) Ứng dụng công cụ Kaizen 5S, sàng lọc và sắp xếp lên pallet để nâng cao chất lượng kho khăn trăm, nâng cao chất lượng đầu vào khâu nhặt và phân loại; (2) Khắc phục tình trạng hàng ùn tồn đọng quá lâu và xuống cấp tại kho mộc, lập quy trình hướng dẫn kiểm hóa khăn mộc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng kiểm hóa mộc;
  • Đăng tải thông tin doanh nghiệp lên trang web của Trường Đại học Ngoại thương và mời doanh nghiệp tham gia CLB doanh nghiệp làng nghề để kết nối truyền thông và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Bổ sung điều chỉnh chính sách lương và thưởng để khuyến khích tạo động lực và quản lý người lao động nhằm khắc phục tình trạng lao động làng nghề tự do bỏ việc giữa chừng gây khó khăn cho doanh nghiệp; (2) Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Ban Giám đốc công ty và người lao động thông qua các cán bộ quản lý hoặc trực tiếp; (3) thường xuyên đào tạo chuyên môn nâng cao tay nghề cho lao động mới tuyển dụng; (4) tăng cường cơ chế khen thưởng chuyên cần và năng suất; (5) bổ sung chính sách BHYT và các quyền lợi an sinh xã hội khác; (6) Tổ chức các hoạt động thi đua khen thưởng và sinh hoạt văn hóa.

Sau thời gian 03 tháng triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, DN đã thu được các kết quả như sau:

  • Các khóa học giới thiệu và đào tạo về Triết lý Kaizen: 100% CBCNV được nâng cao nhận thức về ứng dụng công cụ cải tiến kaizen trong sản xuất khăn bông các loại; Sau khóa đào tạo, BGĐ và NLĐ thông cảm và đối thoại nhiều hơn để thống nhất các vấn đề, gia tăng 20% số lượng công nhân chuyên cần gắn bó trung thành, tuân thủ nội quy và gắn bó với công ty.
  • Hệ thống quản lý chất lượng: Phân tích công năng và dòng cháy bất hợp lý tại kho khăn trăm để giảm 75% chất lượng khăn kém chất lượng trong kho hàng khăn trăm; Điều chỉnh quy trình kiểm hóa, Hạn chế lỗi và tăng năng suất 25% bộ phận kiểm hóa mộc đầu vào; Giảm 30% cycle time công đoạn phân loại khăn trăm từ việc cải tiến di chuyển và sắp xếp kho hàng.
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: Tăng 50% số lượng người lao động được hưởng BHYT do công ty đài thọ và xây dựng phong trào thi đua cấp cơ sở; Tăng gấp 2,5 lần các điều khoản khuyến khích tạo điều kiện cho NLĐ về trả lương thưởng và phụ cấp.

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tối ưu hóa quy trình sản xuất, năng cao năng suất và chất lượng để từ đó đưa công ty phát triển và tăng cường mở rộng sự hiện diện của thương hiệu khăn bông Thanh Chất ra thị trường quốc tế.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here