Tính cấp thiết của việc thiết lập công việc tiêu chuẩn

Toyota – một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới chắc không còn bất kìa ai không nghe đến cái tên này. Top10 thương hiệu ô tô đáng tin cậy nhất thế giới 2019, Top10 hãng xe hơi hàng đầu thế giới, Top10 hãng xe hơi bền nhất… không bao giờ gọi thiếu cái tên Toyota.  Điều gì tạo cho nó một sức mạnh lớn đến như vậy thì đó chính là Kaizen – công cụ quản lí nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến được áp dụng đầu tiên tại Toyota. Nhưng để Kaizen thành công chắc chắn không thể thiếu được công việc tiêu chuẩn. Taiichi Ohno (Kiến trúc sư trưởng của Hệ thống sản xuất Toyota) đã từng nói: “Nơi nào không có tiêu chuẩn, nơi đó không có Kaizen”. Thực sự đúng như vậy! Công việc tiêu chuẩn là một chủ đề quan trọng áp dụng cho bất kỳ ngành công nghiệp hoặc quy trình nào. Không có công việc tiêu chuẩn, cải tiến liên tục thực sự không thể tồn tại do các công ty không có các quy trình chính xác và thống nhất. 

Công việc tiêu chuẩn có thể đóng góp rất nhiều cho các tổ chức, bất kể lĩnh vực công việc cụ thể nào. Khi phương pháp làm việc khác nhau giữa các nhân viên, thường có thể dẫn đến lỗi và lãng phí tài nguyên. Vì vậy, nếu mọi nhân viên đều thực hiện cùng một quy trình thì chắc hẳn sự lãng phí sẽ giảm thiểu tối đa. 

Công việc chuẩn hóa càng cao càng cho phép tổ chức và doanh nghiệp kiểm soát được tiến độ công việc, tránh sự gián đoạn đồng thời giúp tổ chức có khả năng mở rộng sản xuất dễ dàng hơn và thuận lợi khi hướng dẫn người mới bắt đầu tiếp cận công việc.

Các bệnh viện và cơ sở sản xuất trên khắp thế giới chuyển sang làm việc tiêu chuẩn để cải thiện sự an toàn, các công ty luật dựa vào đó để tăng năng suất và các nhà hàng phụ thuộc vào nó để làm hài lòng khách hàng. Chúng ta đã viết về công việc tiêu chuẩn trong quá khứ, nhưng nó thường là một chủ đề bị bỏ qua hoặc hiểu lầm trong quá trình cải tiến liên tục của nhiều tổ chức. Vì vậy, dù trong bất cứ ngành nào, công việc tiêu chuẩn nên là phần được chú trọng đầu tiên trong quy trình.

Công việc tiêu chuẩn là gì?

Định nghĩa cho công việc tiêu chuẩn được đưa ra thảo luận rất nhiều.

Có người cho rằng: “Công việc tiêu chuẩn là các quy trình và hướng dẫn sản xuất được quy định và truyền đạt rõ ràng đến mức chi tiết nhằm tránh sự thiếu nhất quán và tự suy diễn về cách thực hiện công việc.”

Hay, “Công việc tiêu chuẩn là phương pháp nhằm làm cho quá trình thực hiện công việc được nhất quán bằng cách nhận diện cách tổng hợp lý tưởng giữa các thành phần công việc, con người, thiết bị và vật liệu sao cho có lãng phí thấp nhất”

Một ý kiến khác nữa được đưa ra: “Công việc tiêu chuẩn là những công việc cụ thể lặp đi lặp lại liên kết với nhau để đáp ứng được yêu cầu đặt ra.”

Tất cả những định nghĩa trên về công việc tiêu chuẩn đều hoàn toàn chính xác. Công việc tiêu chuẩn là quy trình thực hiện công việc sản xuất mang tính nhất quán, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đáp ứng được yêu cầu đặt ra  để tránh sự suy diễn và nhằm giảm thiểu lãng phí một cách tối đa. Nói cách khác, công việc tiêu chuẩn là những công việc nối tiếp nhau, được phổ biến cho tất cả mọi người, được thực hiện lặp đi lặp lại và không thêm bớt bất cứ một hoạt động nào khác.

Một từ để tóm gọn cho công việc tiêu chuẩn đó chính là “duy nhất” – một quy trình duy nhất xuyên suốt không có sự dư thừa và một kết quả thống nhất không có sự khác biệt. Chính cái sự thống nhất này mà công việc tiêu chuẩn được ví như con ngựa mù chạy trong đường hầm. Khi đã có một quy trình nhất định thống nhất thì bất cứ người công nhân nào cũng không cần phải sáng tạo ra thêm bất cứ hoạt động dư thừa nào khác mà vẫn tạo ra sản phẩm cuối đáp ứng cho quá trình tiếp theo. Công việc tiêu chuẩn cũng chính là vạch đường sẵn và chỉ cần chạy là tới đích.

cong-viec-tieu-chuan-con-ngua-mu-chay-trong-duong-ham

Công việc tiêu chuẩn với kaizen

Công việc tiêu chuẩn có phải là ngay từ lúc đầu nó đã hoàn hảo, chính xác? Một ý tưởng thường bị hiểu lầm là công việc tiêu chuẩn là tuyệt đối và không thay đổi. Trong thực tế, các tiêu chuẩn phải liên tục được cập nhật và cải thiện trong tương lai. Bởi công việc tiêu chuẩn chỉ là một cơ sở để sau đó Kaizen sẽ từng bước giúp công việc tiêu chuẩn hoàn thiện hơn. Khi tạo công việc tiêu chuẩn, hãy tạo ra một tiêu chuẩn thô sơ để sau đó Kaizen sẽ làm tiếp những công việc cải tiến sau đó. Vì thế, công cụ này được dùng để bảo đảm sự thành công liên tục cho quá trình cải tiến.

cong-viec-tieu-chuan-con-ngua-mu-chay-trong-duong-ham-1

Về cơ bản, công việc được tiêu chuẩn hóa bao gồm những đặc điểm sau đây:

Phải đáp ứng 3 yêu cầu:

  • Công việc phải lặp đi lặp lại có tính nhất quán, đồng nhất
  • Quá trình xây dựng công việc tiêu chuẩn là lâu dài và phải cải tiến từ từ.
  • Có ít thời gian chết nhất

Bao gồm 3 yếu tố:

  • Thời gian Takt, đó là tốc độ mà các sản phẩm phải được thực hiện trong một quy trình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

cong-viec-tieu-chuan-con-ngua-mu-chay-trong-duong-ham-3

  • Trình tự công việc chính xác trong đó một người vận hành thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian takt.
  • Hàng tồn kho tiêu chuẩn, bao gồm các đơn vị trong máy, được yêu cầu để giữ cho quá trình hoạt động trơn tru.

Thực hiện thông qua 3 mẫu:

  1. Bảng công suất quy trình được chuẩn hóa
    Cho biết công suất đầu ra của từng yếu tố liên quan đến quy trình. Nói cách khác, nó mô tả giới hạn trên cho tốc độ đầu ra cho mỗi máy hoạt động trong nhà máy và tương quan các số đó với tốc độ đầu ra thực tế được đo cho mỗi máy.
  2. Bảng kết hợp công việc chuẩn hóa
    Bảng này được sử dụng để tính toán kết hợp một số yếu tố thời gian trong sản xuất, cụ thể là thời gian làm việc thủ công, thời gian đi bộ, cũng như thời gian xử lý thực tế theo yêu cầu của từng máy tham gia vào quy trình.
  3. Biểu đồ công việc chuẩn hóa
    Biểu đồ cho thấy trình tự thực hiện công việc, cũng như cách các nhà khai thác khác nhau thay đổi vị trí và trạng thái của họ liên quan đến các máy họ làm việc cùng.

Lợi ích vô tận của công việc tiêu chuẩn

  • Là yếu tố nền tảng cho quá trình cải tiến
  • Tránh được lãng phí không cần thiết như thời gian, chi phí từ đó ngăn chặn sản xuất thừa
  • Ổn định chất lượng của sản phẩm
  • Ngăn ngừa hư hỏng thiết bị máy móc
  • Giảm giá thành sản phẩm
  • Tạo ra sự ổn định giữa những người trực tiếp sản xuất

Cần làm gì để thực hiện công việc tiêu chuẩn ấy??

Bước 1: Liệt kê trình tự công việc tiêu chuẩn

Đây là bước đầu tiên bắt buộc phải tuân thủ khi thực hiện công việc. Nội dung của bước này là mô tả rõ ràng các công việc theo thứ tự giúp đảm bảo rằng tất cả các công nhân đều thực hiện công việc theo cách thức tương tự nhau và hạn chế sai sót giữa các sản phẩm.

Ví dụ với công đoạn cắt gỗ, trình tự công việc chuẩn sẽ mô tả từ chi tiết cắt và các bước thao tác như chuẩn bị máy, chỉnh dao cắt, cách nâng giữ và đưa vật liệu qua máy và thời gian xử lý công việc. Đối với công đoạn lắp ráp, bảng mô tả cần liệt kê chi tiết từng bước thao tác thực hiện việc lắp ráp cho mỗi loại sản phẩm.

Bước 2: Thiết kế thời gian chuẩn – Takt-time

Đối với các nhà sản xuất, takt time của mỗi quy trình là khác nhau và cần được lên chi tiết cụ thể để cho công nhân nắm bắt để bắt kịp nhịp sản xuất.

Bước 3: Xác định mức tồn kho chuẩn trong quy trình

Mức tồn kho chuẩn nên được xác định rõ ràng vì rất cần thiết phải duy trì lượng nguyên liệu tối thiểu này trong dây chuyền để không gây ra sự đình trệ cho quy trình do thiếu nguyên liệu. Mức tồn kho chuẩn chính là yếu tố dùng để tính toán khối lượng các chi tiết nên sản xuất ở công đoạn trước hay sau.

Bước 4: Truyền đạt quy trình chuẩn cho nhân viên

Các hướng dẫn công việc chuẩn không nên chỉ ở dạng văn bản mà bao gồm cả hình ảnh, các bảng hiển thị trực quan, ví dụ và có cả người hướng dẫn. Thường các nhân viên rất ít chịu đọc các tài liệu hướng dẫn sản xuất bằng văn bản nhàm chán vì vậy các bảng hiển thị trực quan và ví dụ thực tế có hình ảnh nên được sử dụng càng nhiều càng tốt. Đồng thời ở các nước với trình độ nhận thức chưa đồng đều như Việt Nam, người hướng dẫn là vô cùng cần thiết và dường như là bắt buộc. Các hướng dẫn nên rõ ràng và chi tiết chưa đủ mà cần có sự cầm tay chỉ việc.

Bước 5: Cập nhật và sửa đổi

Như đã tìm hiểu ở trên, công việc tiêu chuẩn luôn cần được cập nhật và cải tiến. Để thực hiện thành công việc này, trách nhiệm nên được phân công rõ ràng trong việc chuẩn bị và phân phát các tài liệu hướng dẫn đổi mới cần thiết, cũng như đảm bảo rằng bất kỳ một thay đổi nào cũng đều được cấp trên truyền đạt rõ ràng cho nhân viên bên dưới. Một khi trách nhiệm được phân công rõ ràng, các quy trình công việc chuẩn có thể được bổ sung một cách thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gemba Academy, 2011,Learn What Standard Work is Within a Lean Manufacturing System
    https://www.shmula.com/about-peter-abilla/what-is-standard-work/
  2. Operational Excellence Consulting, 2014, Lean Standard Work – The Key to Stable & Consistent Processes
    https://www.slideshare.net/oeconsulting/standard-work-by-operational-excellence-consulting
  3. Greg Jacobson, 2017, The Right Way to Talk About Standard Work with Your Staff
    https://blog.kainexus.com/improvement-disciplines/lean/standard-work/how-to-talk-to-your-staff-about-standard-work
  4. Ken Pulverman, 2017, What is your work standard for Standard Work?
    https://www.parsable.com/parsable-blog/what-is-your-work-standard-for-standard-work

Biên tập: Uyên Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here