Sự cần thiết của việc thiết lập khu làm việc lý tưởng
Ngày nay, dưới áp lực từ thị trường và đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nói riêng muốn đạt được mục tiêu biên độ lợi nhuận lớn thì phải hướng đến chiến lược cạnh tranh về chi phí sản xuất thay vì cạnh tranh về giá như trước đây. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp nào làm tốt hơn trong khâu tối ưu chi phí sản xuất, doanh nghiệp ấy sẽ có lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. Theo triết lý kinh doanh cải tiến Kaizen của Nhật Bản, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất chính là việc tối thiểu hóa sự lãng phí luôn tồn tại trong suốt chu trình sản xuất của doanh nghiệp. Lãng phí là bất cứ hoạt động nào không tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hay hiểu một cách khác, lãng phí là tất cả những hoạt động mà khách hàng không sẵn sàng trả tiền. Theo Kaizen, lãng phí có 7 loại, là 7 chữ cái đầu của TIMWOOD: Transport (vận chuyển); Inventory (hàng tồn kho); Motion (thao tác); Waiting (chờ đợi); Over – processing (xử lý quá mức); Over – production (sản xuất dư thừa); Defects (sản phẩm lỗi). Trong đó, lãng phí thao tác (motion) xảy ra phổ biến và có tác động mạnh đến chi phí sản xuất, bên cạnh đó, loại lãng phí này cũng dễ dàng khắc phục nhất. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải tiến hành cải tiến và thiết kế ra được khu làm việc lý tưởng, ở đó mọi thao tác của nhân công sản xuất không bị dư thừa và lãng phí.
Lãng phí thao tác và việc bố trí khu làm việc lý tưởng
Lãng phí thao tác là những thao tác của con người hoặc thiết bị không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Lãng phí thao tác làm phát sinh một số vấn đề rõ ràng ngay lập tức, hoặc tồn tại dưới dạng tiềm ẩn và có nguy cơ tác động xấu trong tương lai. Lấy một ví dụ cụ thể trong xưởng sản xuất lắp ráp linh kiện ô tô, nếu trong quá trình lắp ráp, công nhân phải tốn thao tác của mình vào những việc như đi tìm linh kiện hay nâng, lấy linh kiện từ một chỗ cách xa chỗ ngồi làm việc, thì rõ ràng thời gian sẽ bị kéo dài và hiệu quả công việc sẽ thấp xuống, đó chính là tác động ngay lập tức của việc lãng phí thao tác. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn đó chính là công nhân của nhà máy có khả năng bị căng cơ, đau lưng, mỏi chân do nâng, với và đi lại nhiều lần để thực hiện quá trình lắp ráp. Do đó, dù ở trạng thái nào thì lãng phí thao tác cũng gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân của lãng phí thao tác chủ yếu đến từ việc bố trí vị trí máy móc, thiết bị dụng cụ không hợp lý, thiết kế dây chuyền kém, hay bố trí khu vực làm việc cho một nhân công không hợp lý: một cỗ máy để quá xa chỗ làm việc, các vật nặng được đặt trên kệ quá thấp hoặc cao; tốn thời gian và sức lực vào việc đi lại tìm kiếm công cụ và thiết bị; liên tục xoay và di chuyển trong quá trình lắp ráp;…
Để khắc phục tình trạng lãng phí thao tác này, cần bố trí lắp đặt hệ thống máy móc hợp lý, thiết kế lại dây chuyền và đặc biệt là xây dựng khu làm việc lý tưởng cho mỗi nhân công trong nhà máy. Với mỗi khu làm việc lý tưởng tối ưu được lãng phí thao tác, sẽ tác động tăng năng suất và hiệu quả công việc, từ đó tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho doanh nghiệp, góp phần tăng lợi nhuận và biến chuyển kết quả kinh doanh theo hưởng có lợi.
Bố trí khu làm việc lý tưởng bản chất là việc phân loại, sắp xếp những dụng cụ, thiết bị phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chúng trong từng phân khu làm việc của mỗi người. Với mỗi người, sẽ có 3 khu vực làm việc mà ở đó sự thuận lợi cho việc sử dụng các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ sản xuất là khác nhau. Đó là khu làm việc tối ưu, khu làm việc bình thường và khu làm việc tối đa.
Khu vực làm việc tối ưu: Đây là khu vực ngay phía trước mặt của mỗi người, mọi thao tác được diễn ra dễ dàng, thuận tiện do ở trong vùng làm việc tốt nhất của khuỷu tay, mắt và lưng. Trong khu vực này, nên được bố trí để thực hiện các thao tác quan trọng, các thao tác chính của việc lắp ráp sản xuất.
Hướng dẫn thiết lập khu làm việc tối ưu:
Sau khi đã khoanh vùng và nhận diện được vị trí khu làm việc tối ưu, việc tiếp theo cần làm là từng bước thiết lập các yếu tố về thao tác, vật liệu, công cụ hỗ trợ trong khu vực này, nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh triệt để mọi yếu tố có thể gây lãng phí trong khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để làm việc này.
Bước 1: Loại bỏ những vật không cần thiết
Đây là khu vực diễn ra các thao tác chính của việc lắp ráp, hoặc sẽ diễn ra các hoạt động chính có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ công việc, vì thế trong phạm vi khu vực tối ưu, phải loại bỏ mọi vật dụng, công cụ không cần thiết, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thao tác, loại bỏ mọi trường hợp vật dụng làm thu hẹp khoảng không gian thao tác, tác động làm vướng víu gây khó khăn cho công nhân khi thực hiện các thao tác quan trọng.
Bước 2: Sắp xếp thứ tự các thao tác
Các thao tác sẽ được thực hiện trong khu vực tối ưu, tuy vậy phải sắp xếp theo thứ tự phù hợp, thao tác nào trước, thao tác nào sau, thao tác nào là đầu vào của thao tác kia. Việc sắp xếp theo thứ tự như vậy nhằm mục đích mạch lạc trong quá trình diễn ra các thao tác, tránh bị chồng chéo, gây ra bỏ sót hoặc trùng lặp thao tác, điều đó sẽ gây lãng phí không nhỏ cho quá trình làm việc.
Bước 3: Tạo đồ gá, dụng cụ hỗ trợ cho thao tác
Để các thao tác diễn ra trơn tru và mạch lạc, phải có sự hỗ trợ của các dụng cụ thích hợp, vì thế trong khu vực tối ưu, cần tạo những đồ gá, dụng cụ hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện thao tác. Những dụng cụ này phải thật sự quan trọng và cũng phải được sắp xếp hợp lý theo thứ tự thao tác để phù hợp với tiến trình thực hiện thao tác.
Bước 4: Dò lại thời gian thực hiện
Thời gian thực hiện thao tác càng ngắn thì hiệu quả, năng suất công việc càng cao. Vì thế cần thường xuyên dò lại thời gian thực hiện thao tác giữa các lần để so sánh đối chiếu, nếu thời gian thực hiện sai khác bất thường, thì đó chính là cơ sở cho việc tìm ra lỗi gây lãng phí trong các bước thiết lập khu làm việc tối ưu đã đề cập ở bên trên.
Khu vực làm việc bình thường: Đây là khu vực có diện tích nằm bên ngoài khu vực tối ưu, thuận tiện cho các thao tác thường của khuỷu tay trong biên độ ngắn, tầm mắt vừa đủ, và sống lưng không gặp khó khăn trong việc duy trì làm việc. Trong khu vực này, nên được bố trí đặt để các linh kiện, công cụ được sử dụng thường xuyên để hỗ trợ việc lắp ráp.
Khu vực làm việc tối đa: Đây là khu vực có diện tích nằm ngoài cùng của khu vực làm việc, đạt biên độ tối đa của cánh tay, công nhân phải sử dụng động tác rướn về phía trước và đánh tầm mắt đi xa hơn. Không nên để công nhân phải duy trì làm việc liên tục trong thời gian dài ở khu vực này do không phải là khu vực có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sức lao động, vì thế trong khu vực này chỉ nên bố trí các linh kiện, vật dụng, công cụ hỗ trợ được sử dụng với tần suất không nhiều.
Như vậy, việc bố trí và thiết lập khu làm việc lý tưởng cho mỗi công nhân trong nhà máy là rất quan trọng để giảm thiểu lãng phí thao tác, qua đó tối ưu hóa chi phí sản xuất trong doanh nghiệp. Với việc áp dụng triết lý Kaizen trong việc bố trí khu làm việc lý tưởng, dù chỉ là sự thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa to lớn và tác động quan trọng đến hiệu suất làm việc và là bước cơ bản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả lớn trong quá trình liên tục cải tiến để tốt hơn.
Tài liệu tham khảo
- Hiroyuki Hirano, The just in time production system, Volume 1
- Motion waste, http://leanmanufacturingtools.org/96/the-waste-of-motion-causes-symptoms-solutions/
Biên tập: Phạm Đức & Trần Thị Thu Hà