Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Đăng Dương thành lập năm 2009 thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Công ty chuyên sản xuất đa dạng các mặt hàng khăn bông cao cấp phục vụ nhu cầu nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Công ty Đăng Dương có đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, máy móc hiện đại cùng với hướng dẫn cụ thể về quy trình sản xuất và tại mỗi công đoạn sản xuất tại xưởng đều được kiểm định chất lượng ngay tại chỗ. Những yếu tố kể trên đã giúp công ty Đăng Dương trong quá trình phát triển qua nhiều năm, từ một thương hiệu phân phối tại thị trường nội địa đã tiến vào nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore. Công ty sẵn sàng tiếp thu, học hỏi và ứng dụng các mô hình quản lý mới nhằm tối uu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Đăng Dương thuộc làng nghề Phương La được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Với tinh thần luôn luuon đổi mới hướng tới phát triển bền vững, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề Phương La.

Quy trình sản xuất khăn tại công ty Đăng Dương gồm các công đoạn chính như sau:

  • Nhập và phân phát sợi: Bộ phận thu mua tiến hành nhập sợi dệt, chỉ may về kho sợi sau đó tiến hành phân phát tới các xã viên;
  • Dệt: các xã viên tiến hành dệt sợi thành khăn mộc theo đơn đặt hàng;
  • Nhập kho khăn mộc: Bộ phận kiểm mộc tiến hành kiểm tra và nhập khăn mộc dệt vào kho;
  • Tẩy nhuộm: Tiến hành công đoạn tẩy nhuộm khăn mộc;
  • Cắt may: Khăn đã tẩy nhuộm dạng tấm khăn lớn trải qua các công đoạn xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ tại tổ xã viên hoặc xưởng may.
  • Phân loại: Khăn thành phẩm được chuyển về kho để tiến hành công đoạn phân loại và kiểm kim;
  • Đóng gói khăn thành phẩm.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Đăng Dương hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong các công đoạn quy trình sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần gia tăng giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để xây dựng và củng cố thương hiệu uy tín tại nhiều thị trường.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện những điểm mạnh cũng như hạn chế của công ty Đăng Dương để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ban lãnh đạo dày dạn kinh nghiêm sản xuất và quản lý trong lĩnh vực dệt may được coi là điểm mạnh của công ty. Việc này đã phần nào bước đầu thúc đẩy quá trình áp dụng mô hình Kaizen tại công ty. Tuy nhiên do đội ngũ người lao động chưa được hướng dẫn và đào tạo sâu về Triết lý Kaizen đã dẫn đến việc thiếu nhất quán trong sản xuất từng công đoạn. Ngoài ra, do ban lãnh đạo và đội ngũ quản lý chưa áp dụng triệt để hệ thống quản lý chất lượng đã dẫn đến tình trạng chưa đồng đều về năng suất, dòng chảy sản phẩm, cân chuyền xảy ra giữa các bộ phận vê dọc (nhanh) và may ngang (chậm). Bên cạnh đó, mô tả công việc và sắp xếp lao động thời vụ chưa khoa học, chưa chuyên nghiệp để xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa lao động thời vụ và thường xuyên tại phân xưởng.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) Khảo sát nghiên cứu áp dụng Kaizen nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh và thực tế kỹ thuật công đoạn may để bố trí sắp xếp cải tiến máy móc cho phù hợp; (2) Nghiên cứu cải tiến trang thiết bị công cụ may sau khi khoanh vùng các vấn đề về kỹ thuật, mặt bằng và nhân sự của công đoạn may; (3) Áp dụng Kaizen 5S và Gemba nhằm sắp xếp lại hiện trường và nhân sự công đoạn rọc, vê dọc và cắt ngang (tầng 1) và may ngang, bấm chỉ (tầng 2);
  • Hệ thống quản lý chất lượng: (1) Cải tiến chất lượng nguyên vật liệu và bán thành phẩm đầu vào thông qua xác lập quy trình kiểm hóa mộc, rọc khăn và tiêu chuẩn hóa dệt khăn mộc theo nguyên tắc Kaizen Gemba quan sát hiện trường; (2) Xác lập tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện Kaizen 5S đảm bảo chất lượng từ  nguyên liệu đầu vào đến khi hoàn thiện sản phẩm
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Rà soát, sắp xếp lao động theo các tiêu chí thời vụ, gắn kết, duy trì và phát triển để từ đó có cơ chế tạo động lực và khuyến khích phù hợp; (2) Nghiên cứu tâm tư nguyện vọng của người lao động để có cơ chế chính sách hỗ trợ những lao động xa quê để ổn định phương tiện đi lại và làm việc; (3) Rà soát cải tiên các giải pháp khuyến khích khen thưởng tạo động lực cho CBCNV nhằm tạo sự đoàn kết gắn kết giữa người lao động với nhau và với doanh nghiệp; (4) Đào tạo truyền nghề cho lao động trẻ và lao động thời vụ để mọi người yên tâm lao động gắn bó lâu dài với công ty; (5) Tiếp tục cơ chế thưởng ngày công để khuyến khích tạo động lực cho người lao động đi làm chuyên cần, tự giác đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm; (6) Xây dựng cơ chế chăm sóc sức khỏe cho người lao động thâm niên thông qua BHYT hoặc BHTN để họ an tâm lao động và cam kết làm việc lâu dài cho công ty.

Sau thời gian 03 tháng triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, DN đã thu được các kết quả như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: Tăng 150% công suất (75% công năng máy) may tự động, tiết kiệm công lao động công đoạn để từ đó góp phần tăng năng suất tổng thể; Rút ngắn 33% thời gian cycle time công đoạn may ngang khi áp dụng vận hành máy may công nghiệp.
  • Hệ thống quản lý chất lượng: 100% máy công nghiệp (vê dọc và máy ngang) có bảng theo dõi thực hành ứng dụng Kaizen 5S hằng ngày giúp phát hiện lỗi và cải tiến tại chỗ; Tăng gấp 3 lần các tiêu chí kiểm định đánh giá nguyên vật liệu và bán thành phẩm đầu vào gồm sợi, khăn mộc, vật liệu đóng gói nhằm đảm bảo chất lượng tốt ngay từ đầu.
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: 100% CNCNV được lập hồ sơ nhân sự để sàng lọc sắp xếp duy trì lao động đảm bảo quyền lợi theo quy chế của công ty; 100% người lao động được tạo điều kiện đối thoại trao đổi trực tiếp với Ban giám đốc để bày tỏ tâm tư nguyện vọng và 90% trong số họ được lắng nghe đáp ứng nguyện vọng chính đáng; 100% công nhân lao động được hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động như mũ và áo quần lao động; 100 % công nhân lao động tăng ca phục vụ hàng khẩn được ăn cơm miễn phí và hưởng lương phụ trội theo đúng cam kết; 100% người lao động được thưởng và tặng quà vào ccas ngày Lễ lớn và tết Nguyên đán, được thăm ốm và tứ thân phụ mẫu được thăm viếng khi ốm đau tang gia; 100% người lao động chuyên cần được thưởng khuyến khích (làm 26 ngày được hưởng lương 28 ngày và làm 28 ngày thì được hưởng lương 30 ngày).             

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty TNHH Đăng Dương nâng cao năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng lao động để từ đó tiến tới tạo dựng chỗ đững tại nhiều thị trường và phát triển vững chắc trong tương lai.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here