Khi sản xuất mang tính nghệ thuật chứ không phải mang tính khoa học thuần túy, khi người lao động trở thành nghệ nhân, chuyên tâm và thành thục tạo ra những sản phẩm tinh hoa nhất, khi đó sản xuất đã trở thành Monozukuri.
Vậy Monozukuri là gì? Điều gì đằng sau kỹ thuật sản xuất của người Nhật đã tạo nên thành công vang dội cho những “ông lớn” như Toyota, Nissan, Yamaha,…?
Định nghĩa Monozukuri
Monozukuri là một từ ghép trong tiếng Nhật, trong đó “mono” có nghĩa là sản phẩm còn “zukuri” là quá trình tạo ra sản phẩm. Hai cụm từ ghép lại đã thể hiện sự tổng hợp năng lực công nghệ, bí quyết và tinh thần thực hành sản xuất để cung cấp ra ý tưởng về quá trình xây dựng tinh thần sản xuất, một hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm tốt.
Triết lý Monozukuri được coi là triết lý kinh doanh điển hình của người Nhật bởi nó là sự kết hợp hài hóa giữa ba yếu tố con người, kinh nghiệm kinh doanh cùng động lực tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Monozukuri không phải chuỗi hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức. Nó đòi hỏi phải có chuyên môn, tinh thần cẩn trọng, đam mê sáng tạo cùng niềm tự hào khi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt. Điều này chỉ có được sau một quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm lâu dài trong thực tiễn. Vì vậy, triết lý Monozukuri bắt nguồn từ đất nước mặt trời mọc thực sự có tính chất nghệ thuật chứ không chỉ mang tính chất khoa học thuần túy.
Lịch sử của Monozukuri
Monozukuri là triết lý kinh doanh được rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản áp dụng và thành công nên để có được điều đó, Monozukuri đã phải trải qua quá trình phát triển và hoàn thiện nhiều thập kỷ để chắt lọc ra những gì tinh túy nhất, đem lại giá trị nền tảng cho việc kinh doanh cho các doanh nghiệp sau này.
Monozukuri được manh nha từ những năm 1908 do Henry Ford đã sáng tạo đường truyền lắp ráp. Đó là hệ thống đường truyền theo dòng chảy kiểu đường truyền chữ T. Khi ấy, Ford đã giới thiệu xe model T được sản xuất hàng loạt và cho phép năng suất tăng lên rất cao với tổng số hàng triệu chiếc được bán trong gần 20 năm.
Trong 1910, Frank Gillbreth tiến hành nghiên cứu các động tác trong sản xuất. Frank không phải là một kỹ sư được huấn luyện qua trường lớp nhưng là một người có tài năng. Công việc đầu đời của ông là một “thợ nề vịn”. Ông quan sát những thợ cả làm việc và nghĩ ra rằng có rất nhiều động tác thừa thãi làm hao tổn sức lực của họ khiến năng suất bị giảm thiểu: nghiêng mình, với tay, cúi xuống,… Nếu dùng phương pháp phối hợp và giảm thiểu động tác, người thợ nề chắc chắn sẽ tăng thêm số gạch xây trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, tài nguyên (thời gian) sẽ giảm, trong khi hiệu năng (gạch xây) sẽ tăng.Gilbreth trình bày vấn đề với chủ để tái huấn luyện các thợ nề trong công ty. Với phương pháp cắt giảm những động tác thừa thãi, năng suất của thợ đã tăng 200%.
Cũng trong năm 1910, Frederick Taylor đã nghiên cứu thời gian và các tiêu chuẩn trong công việc. Là một kỹ sư chế tạo máy tại một tập đoàn sản xuất thép ở Philadelphia, Frederick Taylor đau đáu để các công nhân có thể thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả nhất nhất có thể. Ông đã nghiên cứu lực lượng lao động và phân tích công việc của người lao động qua công việc. Ông cũng tiến hành bấm giờ cho tất cả các loại hoạt động đã được thực hiện bởi công nhân trong suốt quá trình sản xuất.Trong quá trình nghiên cứu các phương pháp, ông đã tính toán được phương pháp làm việc tốt nhất để đảm bảo năng suất tối đa. Ông chia lao động thành một bộ phận cơ bản, trong đó mỗi công nhân lặp đi lặp lại công việc mình được giao. Mọi người đều được phân công chương trình riêng của họ, bao gồm các hoạt động liên tiếp và nhắm đến trình độ, kiến thức và kỹ năng của nhân viên. Việc đó giúp tiết kiệm thời gian đáng kể và từ đó làm năng suất tăng nhanh.
Tiếp đến là Alfred P.Sloan là một giám đốc kinh doanh người Mỹ điều hành General Motors (hãng sản xuất ô tô đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Toyota). Ông liên tục cải tiến các mẫu ô tô, phát minh nhiều thứ mới mẻ để khách hàng mua ô tô. Sloan tập trung cải tiến chất lượng ô tô General Motors, ông cũng hiểu rằng phát triển công nghệ mới rất tốn kém và mất nhiều năm mới đưa được ra thị trường và thường không thu lời nên giữa những năm 1920, ông thực hiện chiến lược thay đổi mẫu thường niên – chiến lược đầu tiên trong ngành ô tô Mỹ. Từ đó, dù các bộ phận cơ khí của ô tô vẫn giống nhau từ năm này qua năm khác, nhưng vẻ ngoài của xe sẽ thay đổi từng năm dù chỉ là thay đổi nhỏ để giúp khách hàng cảm thấy hứng thú.
Ono Taiichi – cha đẻ của hệ thống sản xuất Toyota (TPS). Đó là một phương pháp mang tính cách mạng với việc sản xuất bao gồm 3 yếu tố chính. Đầu tiên là sản xuất “đúng lúc”, sản xuất phải phù hợp với nhu cầu thị trường. Thứ hai, trách nhiệm với chất lượng sản phẩm, và với bất kì lỗi nào cũng cần được sửa chữa sớm nhất sau khi được phát hiện. Yếu tố thứ ba là “luồng giá trị”. Thay vì công ty được nhìn nhận như một loạt các sản phẩm và qui trình không có liên quan với nhau, nó nên được nhận ra như một tổng thể liên tục và đồng nhất – một luồng giá trị bao gồm cả nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng. Cùng với đó, Monozukuri được áp dụng trong Toyota với phương thức quản lý hiệu quả hướng tới chất lượng cao nhất, nỗ lực không ngừng để liên tục cải tiến sáng tạo trong quy trình sản xuất và kinh doanh, nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Trên đây là sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của Monozukuri – bí quyết thành công trong sản xuất mà doanh nghiệp Nhật Bản và rất nhiều nước đã và đang áp dụng.
Phương thức
Monozukuri đã phát triển rõ rệt qua ba phương thức với số lượng và chủng loại sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra ngày càng đa dạng. Theo sự phát triển các phương thức của Monozukuri, sự linh hoạt và sáng tạo của người lao động ngày càng được đánh giá cao, việc sản xuất không còn chỉ là những hành động rập khuôn, lặp đi lặp lại một cách vô thức mà nó đòi hỏi ở người lao động sự chuyên môn, tính cẩn trọng, niềm đam mê sáng tạo cùng niềm tự hào khi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng.
Phương thức đầu tiên của Monozukuri là sản xuất một loại sản phẩm với số lượng lớn. Đây là phương thức mà doanh nghiệp sử dụng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng. Mô hình thực hành 5S (Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ – Săn sóc – Sẵn sàng) hay kiểm soát chất lượng QCD là những tiêu chuẩn thường được áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp tự động hóa sắp xếp dòng chảy sản xuất, nâng cao năng suất làm việc, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế sản phẩm lỗi, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí đồng thời bảo đảm an toàn lao động cho công nhân viên.
Phương thức thứ hai của Monozukuri là sản xuất nhiều loại sản phẩm với số lượng lớn. Với phương thức này người lao động không chỉ tập trung chuyên môn hóa mà Monozukuri còn giúp người lao động xây dựng tinh thần sản xuất sáng tạo, liên tục phát triển tích cực qua việc sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm hơn.
Phương thức cuối cùng của Monozukuri là sản xuất với số lượng và chủng loại sản phẩm linh hoạt theo yêu cầu. Đây là phương thức phát triển cao nhất của Monozukuri, thể hiện rõ nhất yếu tố làm nên sự khác biệt của Monozukuri so với các triết lý của châu Âu hay Mỹ. Đó là đề cao kỹ năng làm việc của con người hơn những yếu tố khác. Trong một tập thể áp dụng Monozukuri, người lao động cần có tư duy sáng tạo cùng tay nghề khéo léo, không ngừng rèn luyện bản thân, nhờ đó doanh nghiệp có thể sản xuất linh hoạt, không bị giới hạn về chủng loại hay số lượng sản phẩm sản xuất ra.
Qua từng phương thức, Monozukuri đã dần hoàn thiện, giúp cho số lượng chủng loại sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên, số lượng sản xuất cũng thay đổi theo yêu cầu giúp cho việc sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng trở nên linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Tạm kết, đối với Việt Nam, Monozukuri là một khái niệm còn khá mới mẻ. Sự xuất hiện của các công ty Nhật Bản trên thị trường Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt những tên tuổi lớn đã thành công với triết lý Monozukuri như Toyota, Nissan, Yamaha,… dường như mang một “luồng gió mới” cho đất nước hình chữ S. Đối với doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, lãng phí là sự tồn tại tất yếu, bởi vậy tìm hiểu cũng như áp dụng triết lý Monozukuri vào trong sản xuất sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp vì Monozukuri không chỉ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo mà còn tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Tài liệu tham khảo
- Giải mã Monozukuri – đặc sản kinh doanh của người Nhật
https://thitruong.nld.com.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/giai-ma-monozukuri-dac-san-kinh-doanh-cua-nguoi-nhat-20160906173311139.htm - Monozukuri – bí quyết thành công
http://nscl.vn/monozukuri-bi-quyet-thanh-cong/ - Monozukuri – định nghĩa Nhật Bản về sáng tạo trong sản xuất,
http://monozukuri.edu.vn/monozukuri-dinh-nghia-nhat-ban-ve-sang-tao-trong-san-xuat/ - Quản lý khoa học và chủ nghĩa Taylor,
https://www.saga.vn/quan-ly-khoa-hoc-va-chu-nghia-taylor~42980 - Phương pháp quản trị cổ điển,
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVuQuanTri/I_1_1.htm - Thiết kế thời trang cho ô tô,
https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/da-vinci-o-thu-phu-xe-hoi-detroit-ky-2-20160919213200535.htm - Monozukuri – bí quyết của Toyota,
https://vnexpress.net/oto-xe-may/monozukuri-bi-quyet-cua-toyota-3403551.html
Biên tập: Ngọc-Thêm