Công ty TNHH Hoakoyo thành lập năm 2014 thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Công ty chuyên sản xuất đa dạng các loại khăn tắm, khăn tay cao cấp làm từ vải cotton, modal phục vụ khách hàng nội địa. Tuy là doanh nghiệp trẻ tại địa phương nhưng với phương châm lấy chất lượng sản phẩm và khách hàng làm đầu, công ty Hoakoyo đã tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng trong nước. Với sự nỗ lực của mình trong những năm qua, công ty đã được trao giải thưởng “Doanh nghiệp trẻ tiêu biểu tỉnh Thái Bình” và “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Hoakoyo thuộc làng nghề Phương La được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Kế thừa truyền thống lâu đời của làng nghề cộng với tinh thần sẵn sàng học hỏi và đổi mới của đội ngũ lãnh đạo trẻ tại công ty, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty Hoakoyo có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề Phương La.

Quy trình sản xuất khăn tại công ty Hoakoyo gồm các công đoạn chính như sau:

  • Nhập và phân phát sợi: Bộ phận thu mua tiến hành nhập sợi dệt, chỉ may về kho sợi sau đó tiến hành phân phát tới các xã viên;
  • Dệt: các xã viên tiến hành dệt sợi thành khăn mộc theo đơn đặt hàng;
  • Nhập kho khăn mộc: Bộ phận kiểm mộc tiến hành kiểm tra và nhập khăn mộc dệt vào kho;
  • Tẩy nhuộm: Tiến hành công đoạn tẩy nhuộm khăn mộc;
  • Cắt may: Khăn đã tẩy nhuộm dạng tấm khăn lớn trải qua các công đoạn xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ tại tổ xã viên hoặc xưởng may.
  • Phân loại: Khăn thành phẩm được chuyển về kho để tiến hành công đoạn phân loại và kiểm kim;
  • Đóng gói khăn thành phẩm.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Hoakoyo hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen tại hiện trường phân xưởng sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa lan tỏa tinh thần Kaizen rộng khắp cán bộ nhân viên và có những cải tiến thiết thực trong việc đảm bảo vệ sinh công nghiệp, cải thiện thao tác nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện những điểm hạn chế tại công ty Hoakoyo để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tại thời điểm khảo sát, công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất nhưng không có kế hoạch cụ thể về việc đầu tư máy móc phù hợp để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, công ty vẫn còn thiếu kỹ năng cần thiết để so sánh và đánh giá các loại sản phẩm cùng loại trên thị trường để từ đó có hướng sản xuất hàng hóa chất lượng hợp xu hướng thị trường. Ngoài ra, sự không đồng đều về tay nghề và thiếu quy định lao động cụ thể đã dẫn đến việc người lao động chưa làm việc hiệu quả, hết năng suất. Việc bố trí và vệ sinh tại phân xưởng thiếu hợp lý đã dẫn đến tình trạng hàng hóa được để trực tiếp lên mặt sàn phân xưởng gây vướng lối đi cũng như không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tất cả những thực trạng nêu trên xảy ra do tại công ty, ban lãnh đạo, đội ngũ quản lý và người lao động chưa được đào tạo qua về hệ thống quản lý, công cụ kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) Áp dụng công cụ 5S tại khu vực kho hàng nguyên liệu, khu vực hoàn thiện, phân xưởng nhặt, phân loại và đóng gói thành phẩm; (2) Áp dụng công cụ 5S để bố trí lại mặt bằng khu vực khăn tay và khăn thể thao; (3) Áp dụng Kaizen Gemba trong cải tiến hiện trường nhằm loại bỏ lãng phí, tăng năng suất trong sản xuất;
  • Hệ thống đề xuất quản lý chất lượng: (1) Xây dựng nội quy phân xưởng sản xuất; (2) Thực hiện vệ sinh công nghiệp toàn bộ diện tích nhà xưởng; (3) Thực hiện việc sàng lọc, loại bỏ vật dụng dư thừa khỏi kho hàng nguyên liệu, có nhãn hiệu hướng dẫn để đảm bảo chất lượng việc đóng gói thành phẩm; (4) Xây dựng bảng tiêu chí thực hành áp dụng Kaizen 5S tại phân xưởng nhặt, phân loại và đóng gói nhằm đảm bảo hiện trường sản xuất ngăn nắp, sạch sẽ để từ đó đảm bảo thao tác sản xuất chuẩn xác, năng cao năng suất lao động;
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Xây dựng mô hình chấm điểm thi đua cuối tháng; (2) Xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động chuyên cần, cahưm chỉ, phát huy sáng kiến trong việc thực hiện Kaizen 5S; (3) Bổ sung và xây dựng cơ chế đãi ngộ đối với người lao động: chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn lao động; (4) Xây dựng và phát động phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, thao tác, quy trình, đảm bảo vệ sinh tại nhà xưởng.

Sau thời gian 03 tháng triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, DN đã thu được các kết quả như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: Tăng gấp 4 lần số lượng lãnh đạo và cán bộ quản lý được tiếp thu kiến thức, học hỏi phương pháp áp dụng Kaizen 5S vào quản lý, vận hành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Tăng gấp 2,5 lần bảng hướng dẫn thực hiện 5S trong đó bao gồm Danh mục các tiêu chí hướng dẫn và kiểm tra chi tiết, rõ ràng;
  • Hệ thống đề xuất quản lý chất lượng: Tăng 300% danh mục các chất thải, vật dụng không cần thiết cần loại bỏ khỏi hiện trường sản xuất để đảm bảo sạch sẽ, tiết kiệm thời gian tìm kiếm; Xây dựng 06 Nội Quy phân xưởng và phổ biến cho tất cả CBCNV và hiển thị tại hiện trường sản xuất có màu sắc dễ nhận diện;
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: 100% CBCNV được nâng cao nhận thức về nguyên tắc Kaizen và rất phấn khởi, tự giác lao động, chấp hành Nội Quy và quy trình, quy chế để sản xuất an toàn và đảm bảo năng suất, chất lượng; 80% CBCNV (20% công nhật) được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như mũ, khẩu trang, áo; 100% người lao dộng chuyên cần chăm chỉ làm việc đủ ngày công được thưởng 02 ngày vào cuối tháng và được tặng quà vào các ngày lễ lớn; 80% CBCNV (20% công nhật) được công ty mua BHYT và thăm viếng khi ốm đau nằm viện, thân nhân được thăm viếng khi ốm nặng hoặc qua đời.

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty TNHH Hoakoyo tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó tạo dựng thương hiệu uy tín trên thị trường, phát triển doanh nghiệp bền vững.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here