Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Minh Ánh thành lập năm 2006 thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sản phẩm chủ đạo của công ty là mặt hàng khăn bông cao cấp phục vụ thị trường Nhật Bản. Trong nhiều năm phát triển, kinh nghiệm sản xuất lâu năm kết hợp cùng máy móc, trang thiết bị hiện đại đã giúp công ty Minh Ánh tạo dựng niềm tin và uy tín với khách hàng quốc tế. Trong dài hạn, công ty Minh Ánh có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phục vụ nhiều thị trường quốc tế mới. Kinh nghiệm làm việc lâu năm với thị trường Nhật đã tạo điều kiện để công ty làm quen và bước đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong sản xuất và kinh doanh.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Minh Ánh thuộc làng nghề Phương La được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Với uy tín và tầm ảnh hưởng tích cực của công ty tại làng nghề, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề Phương La.

Quy trình sản xuất khăn tại công ty Minh Ánh gồm các công đoạn chính như sau:

  • Nhập và phân phát sợi: Bộ phận thu mua tiến hành nhập sợi dệt, chỉ may về kho sợi sau đó tiến hành phân phát tới các xã viên;
  • Dệt: các xã viên tiến hành dệt sợi thành khăn mộc theo đơn đặt hàng;
  • Nhập kho khăn mộc: Bộ phận kiểm mộc tiến hành kiểm tra và nhập khăn mộc dệt vào kho;
  • Tẩy nhuộm: Tiến hành công đoạn tẩy nhuộm khăn mộc;
  • Cắt may: Khăn đã tẩy nhuộm dạng tấm khăn lớn trải qua các công đoạn xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ tại tổ xã viên hoặc xưởng may.
  • Phân loại: Khăn thành phẩm được chuyển về kho để tiến hành công đoạn phân loại và kiểm kim;
  • Đóng gói khăn thành phẩm.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Minh Ánh hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen nhằm cải tiến quy trình trong các công đoạn sản xuất nhằm cân bằng thời gian giữa các khâu. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần gia tăng giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện những điểm mạnh cũng như hạn chế tại công ty Minh Ánh để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Công ty Minh Ánh là ví dụ điển hình doanh nghiệp quy mô nhỏ sản xuất công nghiệp tại làng nghề với kinh nghiệm sản xuất lâu năm nhưng thủ công. Ngoài ra, công ty có mạng lưới khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, máy móc và trang thiết bị sản xuất chưa được bố trí khoa học, phù hợp cũng như vấn đề vệ sinh máy móc, nhà xưởng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, nhóm Dự án đã nhận ra vẫn còn tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hoàn thiện dẫn đến lãng phí diện tích lưu kho cũng như không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Nguyên vật liệu đầu vào như sợi, hàng khăn mộc, vật liệu chưa được sắp xếp, sàng lọc. Nguyên nhân chính dẫn đến những hiện trạng kể trên là do doanh nghiệp chưa được đào tạo bài bản về mô hình quản lý Kaizen để có hệ thống quản lý chất lượng khoa học, tiết kiệm chi phí.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) Áp dụng thực hành Kaizen 5S và Kaizen Gemba nhằm cải tiến hiện trường sản xuất phân xưởng xẻ rọc, vê dọc và may ngang; (2) Ứng dụng Kaizen 5S để sàng lọc, sắp xếp lại kho nguyên vật liệu đầu vào và đóng gói đảm bảo từng khu vực dễ nhận biết, dễ phát hiện; (3) Xây dựng quy trình và bảng biểu hướng dẫn theo dõi thực hiện Kaizen 5S tại phân xưởng nhặt, đóng gói và kiểm kim;
  • Hệ thống đề xuất quản lý chất lượng: (1) Xác lập quy trình theo dõi việc thực hiện, áp dụng Kaizen 5S tại phân xưởng nhặt, đóng gói và kiểm kim; (2) Xây dựng quy chế làm việc và nội quy phân xưởng để tạo dựng tác phong công nghiệp, nề nếp lao động, đảm bảo lao động đúng quy trình và năng suất chất lượng;
  • Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động đi làm chuyên cần, tự giác chấp hành nội quy giờ giấc của công ty; (2) Xây dựng cơ chế chăm sóc y tế cho người lao động và thăm viếng thân nhân khi ốm đau hoặc tang gia; (3) Xây dựng cơ chế đãi ngộ khi người lao động tăng ca hoặc tăng năng suất phục vụ các đơn hàng khẩn, thiết kế mặt hàng mới; (4) Xây dựng cơ chế linh hoạt về giờ giấc để người lao động làng nghề linh hoạt trong việc sắp xếp công việc gia đình và lao động sản xuất tại công ty.

Sau thời gian 03 tháng triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, DN đã thu được các kết quả như sau:

  • Hệ thống đề xuất cải tiến: Tăng gấp 3 lần số lượng lãnh đạo được đào tạo tại chỗ để nâng cao hiểu biết và ứng dụng thực hành Kaizen cấp cơ sở nhằm cải tiến hiện trường; Tăng gấp 2,5 lần số lượng giải pháp để giải quyết tình trạng hàng ùn tại phân xưởng may để loại trừ lãng phái về diện tích, chất lượng và tài chính cho doanh ghiệp; Giảm 25% thời gian cắt ngang khăn tay; Tăng 150% công suất kho hàng nguyên liệu đầu vào (sợi, chỉ, vật liệu đóng gói) sau khi dùng pallet và tận dụng chiều cao khoảng không gian bên trên chia thành 05 phân khu sản xuất;
  • Hệ thống quản lý chất lượng: 100% công đoạn được xây dựng quy trình và có bảng hướng dẫn, theo dõi thực hành ứng dụng Kaizen 5S tại chỗ; Bổ sung gấp 02 lần số quy chế về giờ giấc làm việc, thao tác, ứng xử tại nơi làm việc làm nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp;
  • Hệ thống tạo động lực người lao động: 100% CBCNV tự giác thực hành áp dụng Kaizen 5S tại phân xưởng sản xuất;  Công ty đã linh hoạt về giờ giấc làm việc và được 100% CBCNV hưởng ứng, đảm bảo sản xuất đều đặn; 100% CBCNV làm việc chăm chỉ và thường xuyên cho công ty được hỗ trợ mua BHYT và chăm sóc khi ốm đau bệnh tật; 100% người thân, gia đình CBCNV được thăm ốm và viếng tang trong thời gian làm việc tại công ty; 100% CBCNV được khen thưởng khi làm việc chăm chỉ, đạt năng suất cao hoặc có sáng kiến cải tiến.

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty TNHH Minh Ánh tối ưu hóa sản xuất, năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tạo tiền đề đa dạng hóa sản xuất, mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here